Trang chủ   >  

Xuất khẩu thủy sản chờ cơ hội bứt phá


(27/02/2023 12:00:00 SA)

Ngành thủy sản 2 tháng đầu năm đang phải đối diện với một số khó khăn thách thức, xuất khẩu ở một số thị trường giảm mạnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, dư địa thị trường xuất khẩu rất lớn và đây là lúc các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược để bứt phá.

Cá tra đang có nhiều cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Quốc Trung.
Cá tra đang có nhiều cơ hội xuất khẩu.

Kỳ vọng sớm phục hồi từ quý 2/2023

Ở Đồng bằng sông Cửu Long tôm và cá tra vẫn là hai mặt hàng chiếm tỉ trọng cao nhất của ngành thủy sản cả nước. Những tháng cuối năm 2022 cá tra và tôm đạt kỷ lục về xuất khẩu thì trong hơn 1 tháng đầu năm 2023 đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam(Vasep), tháng 1/2023, xuất khẩu cá tra đạt 83,6 triệu USD, giảm 44% so với tháng trước đó và giảm 61% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 1/2023, xuất khẩu tôm cả nước chỉ đạt 141 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ.

Cụ thể, với con cá tra, tháng 1/2023 xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều giảm hai con số, thị trường Mỹ giảm 56%, Trung Quốc giảm 55%, EU giảm 35%. Trong đó, thị trường Mỹ giảm sâu nhất.

Về con tôm xuất khẩu cũng đang giảm, tuy nhiên dự kiến sẽ ổn định sớm hơn so với cá tra. Tháng 1 năm nay 2023 do trùng với kỳ nghỉ Tết, nhu cầu thị trường sụt giảm, nên xuất khẩu tôm vẫn duy trì xu hướng giảm của cuối năm 2022.

Hiện Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam lớn nhất trong tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 20,3%.

Theo nhận định của Vasep, khác với cá tra, con tôm xuất khẩu sang Nhật Bản dự kiến vẫn ổn định trong năm 2023 vì các sản phẩm tôm tinh chế của Việt Nam vẫn có nhu cầu tốt tại thị trường này. Tuy nhiên, Nhật Bản đòi hỏi các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ngày một cao. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản phức tạp với nhiều tầng cấp khác nhau và các chức năng riêng biệt.

Ngoài ra, với việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu. Không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, các ngành khác như du lịch và giao thương được thông suốt sẽ là cơ hội cho ngành thủy sản nói chung và mặt hàng cá tra và tôm nói riêng được kỳ vọng sớm phục hồi từ quý 2/2023 tới.

Doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất

Ghi nhận tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đã chú ý tới việc tổ chức lại sản xuất, đầu tư công nghệ mới để nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết với nông dân, nhà khoa học nhằm xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phá vỡ các rào cản bằng việc hoàn thành các thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bạc Liêu hiện có gần 50 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu. Những năm trước, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ tập trung xuất khẩu tôm đông lạnh và chủ yếu là xuất thô, thì năm 2023 này nhiều doanh nghiệp đã tập trung hơn tới việc chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng cao. Đây cũng được coi là một trong những giải pháp làm tăng khả năng cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản với các nước có nền công nghiệp nuôi tôm lớn.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Hồ Thị Kiểng - Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Thiên Phú cho biết, thời gian qua doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu thay đổi mẫu mã, đa dạng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời mạnh dạn đầu tư, đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất mới ứng dụng công nghệ hiện đại ở tất cả các khâu. “Hiện nay công ty đang thiết kế nhà máy 40 tấn nguyên liệu tương đương 20 tấn thành phẩm/ngày. Cùng với đó, đẩy mạnh chuỗi liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh” – bà Kiểng nói.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm phát triển ngành tôm của cả nước, địa phương đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là ở phân khúc chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao; cung cấp kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường tiêu thụ cũng như các rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp biết mà chủ động trong sản xuất. Tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại; tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do để tận dụng cơ hội tăng cường xuất khẩu vào thị trường mới...

Ông Đỗ Lập Nghiệp - Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt cho biết, những tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của công ty vẫn tăng 20%. “Từ đầu năm thị trường Trung Quốc mở cửa đã tạo điều kiện cho ngành hàng cá tra Việt Nam phát triển đồng bộ và cân đối. Giá cá tra nguyên liệu đầu năm là 28.000 đồng/kg, giờ đã lên đến 30.000 - 31.000 đồng/kg. Doanh nghiệp đang tập trung triển khai vùng nguyên liệu đầy đủ để đáp ứng yêu cầu thị trường, cùng với đó là mở rộng thêm thị trường các nước trên thế giới để đảm bảo đầu ra cho cá tra”- ông Nghiệp thông tin.

Hiện mặt hàng cá tra vẫn đang phải đối mặt với những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu về xuất khẩu và nâng cao giá trị ngành thủy sản, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, cần tiếp tục xúc tiến thương mại tại các thị trường trên thế giới, nhất là những thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nhận định về thị trường xuất khẩu tôm trong thời gian tới theo bà Kim Thu - chuyên gia thị trường Tôm của Vasep cho biết, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản dự kiến vẫn ổn định trong năm 2023 vì các sản phẩm tôm tinh chế của Việt Nam vẫn có nhu cầu tốt tại thị trường này. Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và bền vững ngày một cao. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hàng hóa tại Nhật Bản phức tạp với nhiều tầng cấp khác nhau và các chức năng riêng biệt…Vì vậy, doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh.

Mới đây, 23 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và công bố đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này. Như vậy, đến nay, theo hệ thống CIFER của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hơn 800 doanh nghiệp Việt Nam được công bố đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đối với thị trường Mỹ, diễn biến cung cầu cá thịt trắng đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và các thương gia tại thị trường Mỹ đều có những nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Mỹ trong năm 2023.

Xem thêm >>

Tin tức
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...