Trang chủ   >  

Xuất khẩu thủy sản năm 2022 hướng tới mốc 11 tỷ USD


(14/11/2022 12:00:00 SA)

Những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là trong 10 tháng của năm 2022 và dự báo tình hình thị trường thế giới trong 2 tháng cuối năm là cơ sở để ngành thủy sản kỳ vọng đạt, thậm chí có thể vượt mốc 11 tỷ USD xuất khẩu trong cả năm.

Ngành thủy sản đã sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD từ cách đây hơn 20 năm và hiện vẫn đang đứng trong top ngành hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tháng của năm 2022 đạt 9,5 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay; mới qua 10 tháng đã vượt đỉnh cao nhất trong cả năm thiết lập vào năm 2021. Kết quả này đã góp phần giúp tổng kim ngạch của cả nước đạt mức cao với 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% (42,92 tỷ USD) so với cùng kỳ.

Dự báo, theo kịch bản I, với giả thiết kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2 tháng cuối năm 2022 đạt bằng mức bình quân trong 4 tháng gần đây (926,6 triệu USD), thì cả năm sẽ đạt 11,242 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2021.

Theo kịch bản II, với giả thiết trong 2 tháng cuối năm đạt bằng với mức của cùng kỳ năm 2021 (1,811 tỷ USD), thì 2 tháng cuối năm nay, tuy cao hơn tháng 9, tháng 10, nhưng không tăng so với cùng kỳ năm 2021 và cả năm 2022 đạt 11,2 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2021.

Ở kịch bản III, với giả thiết bình quân 1 tháng trong 2 tháng cuối năm 2022 đạt bằng mức của tháng 10 (900 triệu USD), thì 2 tháng đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ (0,63%); cộng với 10 tháng (9,389 tỷ USD), thì cả năm sẽ đạt 11,189 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2021.

Ba kịch bản tuy ra các con số khác nhau, nhưng chênh lệch không lớn và đều vượt qua mốc 11,1 tỷ USD, tăng khoảng 26% so với năm 2021.

Kỳ vọng trên có cơ sở từ nhiều yếu tố. Ở đầu vào, Việt Nam có diện tích mặt nước lớn, bờ biển dài, cả nước có khoảng 2.900 trang trại thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 1,129 triệu ha. Toàn ngành có trên 95.000 tàu thuyền có động cơ. Sản lượng thủy sản gần như liên tục tăng lên qua các năm, riêng năm 2021 đạt trên 8,792 triệu tấn (khai thác đạt gần 4 triệu tấn, nuôi trồng đạt hơn 4,8 triệu tấn).

Trong sản lượng thủy sản nuôi trồng, phần nuôi nội địa chiếm tỷ trọng lớn hơn nuôi trồng thủy sản biển (92,3% so với 7,7%); sản lượng tôm nuôi nội địa tuy chiếm tỷ trọng nhỏ hơn cá (22,1% so với 73,2%), nhưng có giá xuất khẩu cao, hiện chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ở đầu ra, ngoài thị trường trong nước là thị trường xuất khẩu. Thủy sản Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường, trong đó có 52 thị trường chủ yếu. Trong số này, có 33 thị trường đạt trên 10 triệu USD, 16 thị trường đạt trên 100 triệu USD, 3 thị trường đạt trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, có 46 thị trường đang tăng trưởng, trong đó có 5 thị trường tăng cao…

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia đang tạo ra lợi thế lớn đối với thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, giúp nâng cao giá trị và sản lượng xuất khẩu.

VIFEP (TCTC)

Xem thêm >>

Tin tức
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thuỷ sản 11 tháng đạt gần 9,2 tỷ USD   (03/12/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tự tin cán đích 10 tỉ USD năm nay   (03/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...