Xuất khẩu thủy sản tăng - Vì sao?


(14/03/2024 12:00:00 SA)

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, lũy kế 2 tháng đầu năm, XK thủy sản tăng trưởng dương trở lại đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

2 tháng đầu năm xuất khẩu thuỷ sản có dấu hiệu hồi phục tốt.

Theo VASEP, 2 tháng đầu năm, XK cá tra đã có tín hiệu tốt, đạt khoảng 365 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đến từ các thị trường nhỏ như Anh, Canada, Mexico, đặc biệt Brazil. Theo bà Đỗ Thị Thu Thủy, Giám đốc bán hàng Tập đoàn Nam Việt, năm 2023 XK cá tra ít khởi sắc nhưng những tháng đầu năm 2024, thị trường suôn sẻ trở lại vì các nước bắt đầu đặt đơn hàng lớn. Tập đoàn cũng đã ghi nhận nhiều tăng trưởng. Nhiều DN XK cá tra cho biết, các khách hàng tiềm năng ở Mỹ đã “kết nối lại” đặt hàng cá tra phi lê sau gần một năm ảm đạm.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng (tỉnh Tiền Giang) cho biết, sau 1 năm giảm sút, tất cả thị trường chính của cá tra như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, ASEAN đều tăng mua cả hàng nguyên liệu lẫn sản phẩm chế biến sâu. Năm nay, dự báo ngành cá tra cả nước có thể vượt kim ngạch XK 2 tỷ USD.

Cùng với đó, XK tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi XK cá tra tăng 15% và cá các loại khác tăng 8%. Ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) chuyên XK mặt hàng tôm cho rằng, thị trường nhập khẩu hiện có nhu cầu cao, nhất là Trung Quốc và Trung Đông. Nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên chấp nhận giá cao hơn. Hiện các chuyên gia ngành hàng nhận định hoạt động XK tôm của Việt Nam năm nay sẽ hồi phục tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến, XK tôm tăng trưởng. Trong đó, nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ tôm trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, EU và Nhật Bản dự kiến sẽ tăng tốc phục hồi trong nửa cuối năm nay.

Đặc biệt, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2024, XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU tiếp tục bứt phá so với cùng kỳ năm 2023, với mức tăng 96%, đạt hơn 17 triệu USD. Tháng 1/2024, cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 21 nước thành viên của EU. Trong đó, Italy, Đức và Hà Lan vẫn là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam. Hiện XK sang cả 3 thị trường kể trên đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.

“Điều này cho thấy những ưu đãi về thuế quan theo EVFTA đang tạo ra sức hút lớn cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam. Dự kiến XK cá ngừ sang EU sẽ tiếp tục tăng trong quý đầu năm do tác động của ưu đãi thuế quan theo Hiệp định EVFTA. Mặc dù, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, tuy nhiên căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao sẽ khiến cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn sẽ cao sẽ kìm hãm nhu cầu tại các thị trường, đại diện VASEP nhận định.

Trao đổi với PV ngày 7/3, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho biết, các thị trường, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia là những nước có tín hiệu nhập khẩu khả quan. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang hồi phục tốt. Hiện thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức mới nhưng những con số tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm 2024 vẫn mang lại sự kỳ vọng tích cực, hy vọng nửa cuối năm giá bán sẽ tốt hơn khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu của các thị trường hồi phục.

Theo bà Hằng, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến XK sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất... Cùng với đó, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu trong nước lại gặp khó cả với nguyên liệu nhập khẩu vì những quy định liên quan IUU.

“Tháng 3 và tháng 4, các doanh nghiệp thủy sản sẽ tham gia các chương trình Hội chợ thủy sản Quốc tế tại Boston, Mỹ và Barcelona, Tây Ban Nha, kỳ vọng sẽ có những kết quả khả quan hơn cho đơn hàng của doanh nghiệp sau các sự kiện này”, bà Lê Hằng kỳ vọng.

VIFEP (CAND)

Xem thêm >>

Tin tức
 Hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản   (11/04/2024 12:00:00 SA)
 Những thách thức của xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024   (08/04/2024 12:00:00 SA)
 Ngành nuôi biển ngóng chờ quy hoạch không gian biển quốc gia   (05/04/2024 12:00:00 SA)
 Phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh   (04/04/2024 12:00:00 SA)
 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản   (01/04/2024 12:00:00 SA)
 Gia tăng nguồn lợi tỷ đô từ nghề nuôi biển   (27/03/2024 12:00:00 SA)
 65 năm bứt phá vượt bậc của ngành thuỷ sản   (25/03/2024 12:00:00 SA)
 Gỡ 'thẻ vàng': Thủy sản Việt Nam tập trung vào chuỗi giá trị bền vững   (20/03/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản tăng - Vì sao?   (14/03/2024 12:00:00 SA)
 Sớm hoàn thiện và đưa ra đề xuất những phương án khả thi tối ưu nhằm phát triển hệ thống sản xuất tôm – lúa bền vững   (13/03/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...