Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021”
(26/07/2021 12:00:00 SA)
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang có diễn biến phức tạp ở trên thế giới và cả Việt Nam, đặt ra những thách thức lớn cho ngành thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến và Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân chủ trì hội nghị.
Ảnh: Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự hội nghị ở Đầu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT có: Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện các bộ,ban, ngành liên quan, Hiệp hội chế biến Xuất khẩu thủy sản, Hội nghề cá Việt nam, một số cơ quan báo chí, truyền thông. Đầu cầu các địa phương có: Đại diện Lãnh đạo UBND, Sở Nông nghiệp và PTNT 28 tỉnh/thành ven biển có nuôi tôm; đại diện các Viện, Trường Đại học, Hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trên điạ bàn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2020, diện tích thả nuôi tôm cả nước đạt 742.483 ha, trong đó tôm sú: 629.065 ha, tôm thẻ chân trắng: 113.418 ha. Sản lượng tôm nuôi đạt: 900.000 tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 632,3 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019).
Về sản xuất giống tôm: Năm 2020, cả nước có 2.028 cơ sở sản xuất tôm giống, sản xuất được 146 tỷ con tôm giống trong đó tôm sú” 36 tỷ con, tôm thẻ chân trắng 110 tỷ con. Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh khu vực Nam trung Bộ gồm Ninh Thuận và Bình Thuận (hàng năm cung cấp khoảng 56% số lượng tôm giống cho nhu cầu thả nuôi của cả nước), số còn lại được sản xuất ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh.
6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nuôi nước lợ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn. Ước kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch covid nên giá tôm năm nay sụt giảm nghiêm trọng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2020, Việt nam xuất khẩu tôm sang 106 thị trường, trong đó 5 thị trường xuất khẩu tôm chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Dự báo năm 2021, xuất khẩu tôm tăng khoảng 15 %, đạt mốc 4 tỷ USD với sản lượng khoảng 700 nghìn tấn.
Tại Hội nghị, hàng loạt những hạn chế, khó khăn ảnh hưởng đến nghề nuôi tôm tại các địa phương đã được đưa ra phân tích như: phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư đồng bộ phục vụ sản xuất, hình thức nuôi chủ yếu quảng canh, quảng canh cải tiến năng suát thấp, cơ sở nuôi nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn dẫn đến khó khăn trong kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc, giá thành sản xuát tôm nước ta còn cao hơn so với các nước trong khu vực do giá vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc hóa chất luôn ở mức cao và tăng mạnh làm tăng giá thành sản xuất trong khi giá bán lại giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nên hiệu quả đầu tư không cao; thời tiết khí hậu khắc nghiệt (thiên tai, nắng nóng, mưa rét) ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin, nhất là thông tin giá cả thị trường còn nhiều hạn chế, công tác triển khai đăng ký cấpp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) ở các địa phương còn rất chậm,…
Cũng tại Hội nghị, đại diện UBND các tỉnh như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh,… là các tỉnh trọng điểm nuôi tôm của cả nước đã báo cáo tham luận về giải pháp phát triển nghề nuôi của địa phương trong thời gian quan.
Năm 2021, dự báo mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cả nước phấn đấu duy trì diện tích nuôi tôm nước lợ ổn định 740 nghìn ha (trong đó 630 nghìn tôm sú và 110 nghìn ha tôm thẻ), sản lượng nuôi ước đạt 980 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8- 4 tỷ USD.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng cục Thủy sản cũng đã triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch 1960/QĐ-BNN-TCTS ngày 6/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 339/QĐ-TTg.
Hội nghị đã bàn bạc các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững ngành tôm nước lợ năm 2021.
Phát biểu kết thúc hội nghị, thứ trưởng Phùng Đức Tiến tổng hợp đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ hướng tới phát triển bền vững ngành tôm, trong đó chú trọng các giải pháp như: tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh, tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, thức ăn, vật tư phục vụ nuôi tôm, triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn tôm, tích cực phối hợp, xử lý tháo gỡ rào cản kỹ thuật, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam.
VIFEP (Tổng hợp)
|