Ngành nuôi biển ngóng chờ quy hoạch không gian biển quốc gia


(05/04/2024 12:00:00 SA)

Để phát triển ngành nuôi biển bền vững, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, cần sớm có quy hoạch không gian biển quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, nếu không sớm ban hành thì các địa phương rất khó trong quy hoạch nuôi biển.

Cần quan tâm phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên biển. Nguồn ITN.
Cần quan tâm phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên biển.

Quảng Ninh - điểm sáng trong nuôi biển

Tại hội nghị “Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh” ngày 1.4, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, quan điểm của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng bền vững tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân, bảo đảm sức khỏe của các hệ sinh thái biển.

​​​​​Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mục tiêu của nuôi biển phải hướng đến cân bằng giữa nhu cầu của con người, giữ gìn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Nuôi biển phải góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống gắn bó mật thiết với biển; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, xung đột lợi ích trong không gian biển. Nuôi biển phải bài bản, bền vững giúp giải quyết xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển.

Thực hiện mục tiêu này, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển cần trao cơ hội cho cộng đồng này đồng thời không tước mất cơ hội của cộng đồng khác. Hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển cần sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, chuyên gia quốc tế, các tổ chức nghề nghiệp của người dân nuôi biển và người dân nuôi biển có sinh kế gắn với nuôi biển.

Trong phát triển kinh tế biển, nuôi biển sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới. Với đường bờ biển dài hơn 250km, hơn 40.000ha bãi triều, gần 19.000ha rừng ngập mặn, 20.000ha diện tích eo biển và vịnh, ngư trường rộng lớn trên 6.100km2, 3 khu bảo tồn biển…, Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2030 trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc. Hiện, tỉnh đã quy hoạch hơn 45.000ha khu vực biển dành cho nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị, tính bền vững gắn bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản với phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo.

Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 42.292ha; trong đó nuôi nội địa đạt 32.092ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324 tấn (năm 2013 89.000 tấn). Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929,6 triệu đồng, chiếm gần 50% giá trị nông nghiệp. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, bằng quyết tâm hành động, Quảng Ninh đã tạo được chuyển biến tích cực trong phát triển thủy sản, đưa ngành này dần trở thành kinh tế mũi nhọn, đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế biển. Với sự đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật, Quảng Ninh đã bắt đầu hình thành hệ sinh thái nuôi biển với hơn 100 hợp tác xã được thành lập trong vòng 2 năm và những mô hình độc đáo kết hợp nuôi biển công nghệ cao với du lịch trải nghiệm. Quảng Ninh cũng đã loại bỏ, thay thế được hơn 10 triệu phao xốp, dọn sạch được biển...

Xem xét mức phí giao biển cho doanh nghiệp, ngư dân

Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định nuôi biển là một trong những mũi nhọn ưu tiên và đã được cụ thể hóa bằng Quyết định số 1664/QĐ-TTg Phê duyệt "Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án).

Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken đề cao Đề án của Việt Nam nhằm giảm cường lực khai thác, tăng cường quản lý nuôi biển là con đường tất yếu, là bước quan trọng hướng tới quá trình chuyển đổi xanh. Chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy, theo bà Hilde Solbakken, một trong những yếu tố tạo nên thành công của nuôi biển chính là có quy hoạch không gian quốc gia bền vững, bảo đảm lợi ích cho tương lai và an toàn môi trường. Tiếp đến là nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, áp dụng đổi mới sáng tạo vào chuỗi sản xuất sẽ giải quyết những thách thức do nuôi trồng thủy sản biển đặt ra. Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những cuộc đối thoại cởi mở dựa trên niềm tin giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; hợp tác công - tư và hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nuôi biển...

Để phát triển ngành nuôi biển bền vững, PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho rằng cần sớm có quy hoạch không gian biển quốc gia. Cùng với đó, xem xét lại mức phí giao biển cho doanh nghiệp, ngư dân, mức phí hiện nay từ 4 - 7 triệu đồng/ha/năm là quá cao so với rủi ro họ có thể đối mặt. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần quan tâm phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên biển. “Có cụm công nghiệp, khu công nghiệp trên biển, trong đó doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, thì ngư dân nuôi biển sẽ dễ dàng hơn”. Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, hiện còn thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển trong khi đây là yếu tố rất cần thiết; thủ tục cấp phép nuôi biển, thủ tục giao biển hiện còn rất phức tạp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cũng đề xuất, cần đơn giản các thủ tục cấp phép môi trường và giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản; cung cấp cho UBND các địa phương dữ liệu bản đồ để hỗ trợ tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị giao theo quy định; UBND các địa phương cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ chủ đầu tư ngay từ bước lập hồ sơ dự án...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc đang làm chậm tiến độ phát triển của ngành nuôi biển, nhanh chóng cùng các bộ, ngành kiến nghị với Chính phủ giải quyết. Bộ sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi biển về lồng bè để khắc phục tình trạng nuôi tự phát trong thời gian qua; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy ngành nuôi trồng, chế biến rong tảo biển và các tiềm năng khác; đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu về khoa học, công nghệ để có các mô hình nuôi trồng công nghệ cao, chế biến sâu…

VIFEP (ĐBND)



Xem thêm >>

Tin tức
 Chuyển đổi xanh: Hướng đi bền vững của ngành thủy sản   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản mang về hơn 8,3 tỷ USD   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Xanh hóa ngành hàng xuất khẩu tỷ USD   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu   (25/11/2024 12:00:00 SA)
 Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Con đường phát triển bền vững trong các nền kinh tế APEC   (12/11/2024 12:00:00 SA)
 Sau hơn 2 năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trở lại mốc 1 tỷ đô/tháng   (12/11/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu thủy sản: Cần nhiều giải pháp để giữ vững mục tiêu tăng trưởng   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu cá tra thu về gần 1,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Đón sóng từ thị trường, xuất khẩu thủy sản cần vượt rào cản để bứt phá   (27/09/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản trước cơ hội và thách thức lớn   (19/09/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...