VKFTA không thực sự mang lại nhiều thuận lợi cho ngành cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc


(16/08/2019 12:00:00 SA)

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) đã được ký kết và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. So với các FTA đã ký trước đó của Việt Nam với các nước, VKFTA không thực sự mang lại nhiều thuận lợi cho ngành cá ngừ.

Hàn Quốc hiện đang đứng thứ 2 thế giới về sản lượng khai thác cá ngừ xa bờ. Các tàu khai thác của Hàn Quốc hoạt động chủ yếu tại khu vực biển Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO). Tổng sản lượng khai thác của các tàu lưới vây của nước này đạt 278.227 tấn, trong đó khoảng 20% sản lượng khai thác, từ 120 – 130 nghìn tấn được cập cảng Hàn Quốc để phục vụ sản xuất trong nước, còn 80%, khoảng hơn 160 nghìn tấn để xuất khẩu sang các nước khác, đặc biệt là Thái Lan, để sản xuất và chế biến đóng hộp. Chính vì vậy mà ngành cá ngừ Hàn Quốc đáp ứng tốt các nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tươi sống trong nước.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc tiêu thụ ít cá ngừ đóng hộp hơn các nước Châu Á khác. Mức tiêu thụ cá ngừ đóng hộp bình quân của Hàn Quốc chỉ ở mức 1kg/người/năm (5 hộp), tương đương 260 triệu hộp cá ngừ mỗi năm, tương đương 370 triệu USD. Chính vì những lý do trên, Hàn Quốc không phải là thị trường cá ngừ hấp dẫn đối với các nước xuất khẩu cá ngừ.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Hàn Quốc không phải là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam, chỉ chiếm 0,3% tổng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc xuất phát điểm từ mức rất thấp, 88 nghìn USD năm 2007. Nhưng sau 6 năm, xuất khẩu cá ngừ sang đây đã tăng đột biến 8.370%, đạt hơn 7,4 triệu USD (năm 2012). Năm 2012, do nguồn cung cá ngừ trên thị trường thế giới giảm và các lệnh cấm khai thác tại khu vực WCPO ngày càng tăng cường, Hàn Quốc đã tăng cường nhập khẩu cá ngừ của các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên sau đó, xuất khẩu cá ngừ sang Việt Nam sang thị trường này giảm, mặc dù VKFTA đã có hiệu lực. Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Hàn Quốc hiện chỉ ở mức dưới 2 triệu USD.

Việt Nam hiện đang xuất khẩu chủ yếu cá ngừ chế biến đóng hộp sang Hàn Quốc, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp, chiếm trên 80% tổng giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam đã tiếp cận được thị trường này nhưng không đáng kể, và có xu hướng ngày càng giảm.

Theo VKFTA, một số các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc được cam kết cắt giảm thuế quan theo lộ trình. Cụ thể, thuế nhập khẩu áp cho các sản phẩm cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ giảm xuống còn 0-5% chậm nhất đến ngày 01/01/2016. Cá mắt to ướp đá xuất khẩu sẽ duy trì mức thuế cơ sở 20% đến trước ngày 01/01/2016 và sẽ giảm ít nhất 20% mức thuế MNF được áp dụng theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc.

Cá ngừ vây vàng ướp đá sẽ được xóa bỏ thuế quan dần đều trong 3 năm từ thuế suất cơ sở 20% và về 0% từ ngày 01/01/2018. Riêng mặt hàng cá ngừ chế biến đóng hộp, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, thì vẫn duy trì ở mức thuế cơ sở 20%, không được xóa bỏ.

Hàn Quốc hiện đang nhập khẩu cá ngừ từ hơn 39 quốc gia trên thế giới. Đứng đầu là Trung Quốc, Đài Loan, Papua New Guinea, Thái Lan, Italy, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Vanuatu, Ghana, Kiribati và Việt Nam là 12 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thi trường Hàn Quốc. Do đó, về mặt thuế quan mặc dù đã ký được FTA với Hàn Quốc, các sản phẩm của Việt Nam vẫn không có lợi thế hơn so với các nước kể trên. Tuy nhiên, về mặt địa lý Việt Nam đang có thuận lợi hơn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang thị trường. Tuy nhiên, Hàn Quốc là nước rất khắt khe về chất lượng, bên cạnh đó, cùng với các cam kết về phát triển bền vững ngành cá ngừ, nước này đang qua tâm ngày càng nhiều đến nguồn gốc cá ngừ từ khâu khai thác. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý đến nguồn nguyên liệu cá ngừ và chất lượng sản phẩm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong năm 2018 tăng 10% so với năm 2017, đạt gần 653 triệu USD. So với năm 2017, VASEP cũng dự báo, do một số khó khăn trong khâu nhập khẩu nguyên liệu và chứng nhận thủy sản khai thác đã được tháo gỡ, nên xuất khẩu cá ngừ trong năm 2019 sẽ khởi sắc.

VIFEP (TH)

 

Xem thêm >>

Tin tức
 Xuất khẩu thủy sản: Cần nhiều giải pháp để giữ vững mục tiêu tăng trưởng   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu cá tra thu về gần 1,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024   (16/10/2024 12:00:00 SA)
 Đón sóng từ thị trường, xuất khẩu thủy sản cần vượt rào cản để bứt phá   (27/09/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản trước cơ hội và thách thức lớn   (19/09/2024 12:00:00 SA)
 Điều tra, đánh giá hiện trạng lao động khai thác thủy sản trên phạm vi cả nước để cung cấp cơ sở, dữ liệu quản lý khai thác thủy sản   (19/08/2024 12:00:00 SA)
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm và làm việc với Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản   (08/08/2024 12:00:00 SA)
 Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024   (15/07/2024 12:00:00 SA)
 Tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị   (09/07/2024 12:00:00 SA)
 Phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tầm nhìn đến năm 2050   (05/07/2024 12:00:00 SA)
 Xuất khẩu tôm đối mặt với nhiều thách thức vào cuối năm   (24/06/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...