Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (07/5/1984-07/5/2024)
(08/05/2024 12:00:00 SA)
Sáng ngày 07/5/2024, tại Hà Nội,Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (VIFEP) long trọng tổ
chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (07/5/1984-07/5/2024). Buổi lễ
vinh dự được đón tiếp các đồng
chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), lãnh đạo các đơn vị
trực thuộc Bộ NN-PTNT cùng đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, tổ chức phi
chính phủ và toàn thể lãnh đạo, cán bộ viên chức, người lao động
của Viện qua các thời kỳ.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản
Ngày 6
tháng 9 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 95/HĐBT cho phép Bộ
Thuỷ sản thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản. Ngày 07 tháng 5 năm
1984, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản ban hành Quyết định số 311/TS-QĐ do chính thức tách
2 bộ phận chủ yếu là Phòng Quy hoạch dài hạn thuộc Vụ Kế hoạch và Phòng Khảo
sát xây dựng quy hoạch của Vụ Nuôi trồng thuỷ sản để thành lập Viện Kinh tế và
Quy hoạch thuỷ sản.
40 năm xây dựng
và phát triển, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản đã trưởng
thành, lớn mạnh về mọi mặt, đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Chức năng, nhiệm
vụ, cơ cấu tổ chức của Viện ngày càng hoàn thiện. Hiện nay, lực lượng của
Viện ngày càng được tăng cường đông đảo cả về lượng và chất, nhiều cán bộ
nghiên cứu, viên chức đã được đào tạo trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, được nâng cao
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ,… Hầu hết cán bộ nghiên cứu của Viện
đã có trình độ trên đại học. Hiện nay, toàn Viện
có 65 cán bộ, viên chức và người lao động trong đó có 04 tiến sỹ (chiếm 6,15%),
04 Nghiên cứu sinh (chiếm 6,15%), 28 thạc sỹ (chiếm 43,08%), 29 đại học (chiếm
35,38%), 06 khác (chiếm 9,23%). Với 5 phòng chức năng là: Văn phòng Viện;
Phòng Quy hoạch thủy sản; Phòng Kinh tế, Chính sách; Phòng GIS Viễn Thám và Môi
trường; Phòng Khoa học công nghệ, Hợp tác quốc tế và 03 đơn vị trực thuộc: Phân
Viện Quy hoạch thuỷ sản phía Nam; Trung tâm Phát triển cộng đồng nghề cá; Trung
tâm Tư vấn và Quy hoạch phát triển thuỷ sản.
Cùng với sự lớn mạnh cả về
số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, viên chức, Viện đã
đạt nhiều thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học như: Hoàn thành hàng trăm công trình lớn nhỏ từ các
dự án quy hoạch tổng thể toàn ngành với các vùng phát triển rộng lớn như: Đồng
bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung, Trung du miền
núi, Tây Nguyên, vùng triều... Từ quy hoạch ngành quốc gia đến quy hoạch tỉnh,
xây dựng các đề án, dự án phát triển thủy sản để tích hợp vào quy hoạch tỉnh,
quy hoạch tổng thể quốc gia.
Viện đã
tham mưu, tư vấn cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch
Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm
2050; Hợp phần khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Quy hoạch tổng thể
quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển thủy
sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển nuôi trồng thủy
sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Đề án phát triển ngành chế
biến thủy sản giai đoạn 2031-2030; Đề án nâng cao nâng cao năng lực quản lý nhà
nước về thủy sản; Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
đến năm 2030.
Tiếp đó, về thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp Nhà nước và
nhiệm vụ bảo vệ môi trường, Viện đã chủ trì và thực
hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu về kinh tế- xã hội ngành thuỷ sản cũng
như các nghiên cứu chuyên ngành khác, trong đó phải kể đến các đề tài sau: Ngư
nghiệp, Ngư dân, Ngư trường đến năm 2030 định hướng đến năm 2045; “Nghiên cứu
đánh giá rủi ro đa thiên tai và thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản khu vực
ven biển đồng bằng Bắc Bộ và đề xuất các giải pháp chính sách chia sẻ rủi ro
thiên tai” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia
giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi
trường và phòng chống thiên tai”; Nghiên cứu
rào cản thương mại đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào các thị trường quốc
tế quan trọng và đề xuất các giải pháp; Điều tra, đánh giá tác động của
chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và đề xuất
giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa (lĩnh vực thủy sản);
Tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong ngành
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đánh giá tác động của ngành thuỷ sản đối
với nền kinh tế quốc dân giai đoạn 1996-2000; Đánh giá tác động của khoa học
công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế trong chế biến thuỷ sản; Nghiên cứu xây
dựng đơn giá kinh tế cho quy hoạch chuyên ngành thuỷ sản; Đánh giá môi trường
trong nuôi trồng thuỷ sản ven biển Việt Nam và đề xuất các giải pháp quản lý;
Đánh giá việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến và nuôi
trồng thuỷ sản.
Với chủ
trương đa dạng hoá các hình thức và mức độ hợp tác quốc tế nhằm tăng cường năng
lực, đặc biệt để chuẩn bị nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế trong bối
cảnh nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hội nhập sâu rộng với
khu vực và thế giới, Viện đã chủ động xúc tiến và tích cực tham gia các hoạt
động hợp tác quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong giai
đoạn từ những năm đầu 2000 đến nay, Viện đã chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiều
dự án/nhiệm vụ hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức
quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước như: Chương trình phát triển
(UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Tổ
chức Lao động quốc tế (ILO) của Liên Hiệp quốc, Trung tâm Phát triển nghề cá
Đông Nam Á (SEAFDEC), Trung tâm Nghề cá thế giới (WorldFish Center), Ủy ban
sông Mekong (MRC), Hoa Kỳ, Đan Mạch, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, WWF, IUCN,
TRAFFIC International, CARE International,…
Việc xã hội
hoá các sản phẩm nghiên cứu khoa học đã được Viện chú trọng thông qua việc xuất
bản các cuốn sách chuyên ngành, tuyển tập chính sách nghề cá, kỷ yếu hội thảo
quốc gia. Viện cũng đã xây dựng website, bản tin nhằm cung cấp thông tin thường
xuyên phục vụ công tác nghiên cứu và học tập. Viện không ngừng tăng cường hoạt
động truyền thông về phát triển bền vững thuỷ sản, soạn thảo các văn bản liên
quan tới phát triển bền vững ngành để lấy ý kiến thảo luận. Cán bộ trong Viện
đã công bố nhiều bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước. Viện đã tham gia
thẩm định, đánh giá nhiều đề tài, dự án, văn bản chính sách, pháp luật cho Bộ,
ngành và các địa phương liên quan.
Thứ
trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của Viện Kinh
tế và Quy hoạch thủy sản cho ngành thủy sản trong 40 năm qua
Thay mặt Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn,
phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng
Phùng
Đức Tiến nhiệt
liệt chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những thành quả cùng những đóng góp
cho ngành Thuỷ sản
đã đạt được trong 40
năm qua của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản. Đồng chí nêu rõ: “Chặng đường phát
triển 40 năm qua
của Viện là rất đáng tự hào. Viện đạt được một số thành tựu quan trọng trong
nghiên cứu kinh tế, quy hoạch, chiến lược phát triển ngành Thủy sản, Viện luôn phát huy truyền thống đoàn kết, trách
nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong
và ngoài Bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của Đảng và Nhà nước về phát
triển thủy sản bền vững, góp phần đạt được thành tựu chung của ngành Nông nghiệp. Ghi nhận, 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản cả nước ước đạt 2,714
triệu tấn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Là một trụ đỡ của ngành nông
nghiệp, chiếm tỷ trọng 28,7%, tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản năm nào
cũng đạt ở mức 3,8-4,5%''.
Những thành quả đạt được trong 40 năm qua của Viện giữ
vị trí quan trọng trong xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam. Vừa
là cơ quan tham mưu chính sách phát triển kinh tế thủy sản trung và dài hạn,
góp phần vào thành công của ngành thủy sản trong những năm gần đây, tập thể cán
bộ viên chức của Viện đã có nhiều cố gắng trong nghiên cứu khoa học, hợp tác
với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, bám sát thực tế, vận dụng đầy đủ,
đúng đắn các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước trong xây
dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản.
Đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản
Mặc dù phải đổi mặt với nhiều khó
khăn, thách thức. Thứ trưởng Phùng Đức
Tiến mong muốn Viện tiếp tục phấn đấu, phát huy sức mạnh tập thể để xây dựng bộ
máy tinh gọn, vững mạnh. Trong
thời gian tới, bên cạnh những định hướng, nhiệm vụ mà Viện đã đặt ra, Viện cần tập trung vào xây dựng chính sách,
chiến lược, trong đó chú ý tới lĩnh vực khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; Đào
tạo đội ngũ nghiên cứu tinh nhuệ, chuyên sâu; Xây dựng cơ sở vật chất, trang
thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu; Xác định rõ vị trí, vai trò của đơn vị gắn
với quản lý nhà nước; Bám sát vào thực tiễn để đề xuất các nhiệm vụ có tính khả
thi; Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với cán bộ, viên
chức và người lao động; Công bằng, ghi nhận, tôn vinh và tạo cơ hội phát triển
cho những cán bộ có năng lực và có nhiều đóng góp.
Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng
cũng gửi lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc tới tập thể Lãnh đạo, cán bộ viên chức và
người lao động qua các thời kỳ đã cùng đoàn kết, đồng lòng, chung sức, hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển
Viện, góp phần không nhỏ cho sự phát triển bền vững của ngành Thuỷ sản. Chúc
cho Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản trên đà phát huy những thế mạnh, tiếp
tục xây dựng Viện ngày càng phát triển hơn nữa.
Trong không khí trang trọng và ấm áp,
Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản vinh dự được đón nhận bức
trướng "Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển" của Bộ NN-PTNT.
Đây không chỉ là sự ghi nhận của Bộ
đối với những đóng góp của Viện mà
còn là minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực, phấn đấu không mệt
mỏi của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ viên chức, người
lao động. Bên
cạnh đó, một số tập thể, cá nhân xuất sắc cũng được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ
NN-PTNT.
Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã vinh dự nhận bức trướng "Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Phát triển" của Bộ NN-PTNT
Tại Lễ kỷ niệm, TS. Nguyễn Thanh Bình, Viện trưởng Viện
Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản bày tỏ lòng cảm ơn chân thành, sự tri ân sâu sắc đến các đồng
chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), lãnh đạo các đơn vị
trực thuộc Bộ NN-PTNT cùng đại diện các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế, tổ chức phi
chính phủ và toàn thể lãnh đạo, cán bộ viên chức, người lao động
của Viện qua các thời kỳ. Viện ghi
nhận và tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, góp ý. Viện sẽ cố gắng,
nỗ lực, quyết tâm, tiếp tục có những đóng góp quan trọng,
ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong nghiên cứu chính sách, chiến
lược, kinh tế và quy hoạch đối với sự phát triển của
ngành thuỷ sản, thể
hiện sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhân dân đối
với Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản.
VIFEP (Thu Hằng)
|