Trang chủ   >  

Nâng cao hiệu quả khai thác chế biến và tiêu thụ thủy sản


(23/06/2021 12:00:00 SA)

Năm 2021, ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản nói riêng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình là dịch bệnh Covid–19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp; hay như an ninh trên biển tiềm ẩm khó lường và thời tiết cực đoan mưa bão nhiều những tháng cuối năm 2020.


Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang tận dụng tốt các cơ hội
trong bối cảnh dịch bệnh.

Trước thực tế đó, ngày 10-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt các cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 806,2 nghìn tấn, trị giá 3,239 tỷ USD, tăng 13,39% về lượng và tăng 12,46% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả trên cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được những khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Xuất khẩu nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: cá tra, basa, tôm các loại, chả cá, cá ngừ các loại, bạch tuộc, nghêu… Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu các mặt hàng này đều tăng mạnh hơn so với mức tăng về lượng.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản cao cấp sẽ tăng khi dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tại EU và Hoa Kỳ dần được mở trở lại. Bên cạnh đó, với thói quen tiêu dùng đã hình thành trong hơn một năm vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong gia đình sẽ tiếp tục ổn định ở mức cao.

Trong khi nguồn cung thủy sản của một số nhà cung cấp lớn như Ấn Độ, một số nhà cung cấp ở Đông Nam Á và Nam Mỹ bị tác động bởi dịch Covid-19. Điều này có thể khiến giá một số mặt hàng thủy sản tăng cùng với xu hướng tăng nhu cầu. Đây là cơ hội đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kênh phân phối sản phẩm thủy sản đứt gãy, gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu, giá thủy sản giảm, cảnh báo “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EC đối với hải sản Việt Nam chưa được tháo dỡ tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản là những khó khăn mà ngành thủy sản đang phải đối mặt.

Còn nhiều khó khăn thách thức

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đánh giá ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản nói riêng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình là dịch bệnh Covid–19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp; hay như an ninh trên biển tiềm ẩm khó lường và thời tiết cực đoan mưa bão nhiều những tháng cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, kênh phân phối tiêu thụ xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Giá vận chuyển tăng, giá bán sản phẩm khai thác chất lượng cao giảm. Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng dẫn đến nhiều tàu cá phải nằm bờ.

Cơ sở hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất. Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch cải thiện còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu chưa được tháo dỡ và các rào cản kỹ thuật mới đang hình thành tiếp tục tác động xấu đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam...

Theo kế hoạch chỉ tiêu khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2021, tổng sản lượng thủy sản sẽ được phấn đấu đạt khoảng 8,5 triệu tấn, bằng 101,1% so với năm 2020 (trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn bằng 93,6% so với năm 2020). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với 2020, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 35-37%.

Định hướng đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn; Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD; Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước.

“Đặc biệt cần bám sát các nội dung, mục tiêu của Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

VIFEP (ND)


Xem thêm >>

Tin tức
 Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Quyết liệt chống đánh bắt IUU, số lượng tàu cá “3 không” giảm mạnh   (23/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản hướng tới mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Chuyển đổi 6.000 tàu cá ven bờ sang nghề cá giải trí, nuôi trồng thủy sản   (16/12/2024 12:00:00 SA)
 Khai phá tiềm năng phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Việt Nam   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Phân quyền cho Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch không gian biển quốc gia   (13/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành thủy sản chủ động giảm phát thải   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Thủy sản cán đích sớm   (09/12/2024 12:00:00 SA)
 Ngành Thuỷ sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, kỳ vọng xuất khẩu năm 2025 bứt tốc   (04/12/2024 12:00:00 SA)
 Ứng dụng khoa học để phát triển nuôi tôm nước lợ   (04/12/2024 12:00:00 SA)

vifep.com.vn
Đang tải dữ liệu...